Tập thể lớp 8A THCS Lê Ngọc Hân
Chúc các Member của diễn đàn 8A THCS Lê Ngọc Hân có một ngày tươi đẹp, tinh thần sảng khoái và luôn nở nụ cười trên môi!!!! ^o^
Tập thể lớp 8A THCS Lê Ngọc Hân
Chúc các Member của diễn đàn 8A THCS Lê Ngọc Hân có một ngày tươi đẹp, tinh thần sảng khoái và luôn nở nụ cười trên môi!!!! ^o^
Tập thể lớp 8A THCS Lê Ngọc Hân
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tập thể lớp 8A THCS Lê Ngọc Hân

Năm học 2010 - 2011
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Vụ án Lệ Chi Viên

Go down 
3 posters
Tác giảThông điệp
littlerose_3297
HS cấp 2
littlerose_3297


Tổng số bài gửi : 177
Reps : 194
Join date : 26/09/2009
Age : 27
Đến từ : E.L.F and Wonderful *^_^*

Vụ án Lệ Chi Viên Empty
Bài gửiTiêu đề: Vụ án Lệ Chi Viên   Vụ án Lệ Chi Viên Empty26/10/2009, 7:28 pm

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương). Lúc đó, đất nước thái bình, nhà vua đang ở độ tuổi thanh xuân sung sức, không ai nghĩ rằng đó lại là cuộc tuần du cuối cùng của nhà vua. Nhưng tiếc thay, sự thực lại là như vậy. Vua Lê Thái Tông đã đột ngột qua đời tại Lệ Chi Viên (Trại Vải) ỉư thôn Đại Lại (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh) vào đêm mùng 4 tháng 8 năm 1442, khi đang trên đường trở về kinh đô, hưởng dương 19 tuổi. Sau cái chết đột ngột của nhà vua, một vụ án lớn đã xảy ra và kết quả là cả ba họ của Nguyễn Trãi đã bị tru di một cách thảm khốc. Lịch sử thường gọi đó là vụ án Lệ Chi Viên.

Vì sao Nguyễn Trãi và ba họ lại phải chết một cách oan khuất và thảm khốc như thế? Lần trang sử cũ, ta có thể thấy diễn biến và nguyên nhân của vụ án này như sau:

Sau khi chiến thắng quân Minh, Nguyễn Trãi rất muốn cùng các bạn chiến đấu của mình, bắt tay vào xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, đem lại cho nhân dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thoát khỏi cảnh lầm than khổ cực từ bao đời trước. Nhưng trở ngại đầu tiên Nguyễn Trãi gặp phải từ sau ngày đất nước giải phóng là ông và một số người yêu nước khác không được trọng dụng như trước. Trong thời kỳ đánh giặc cứu nước, Nguyễn Trãi là một trong những người lãnh đạo xuất sắc của phong trào, công lao, sự nghiệp rất lớn. Nhưng, đánh giặc xong, đáng lẽ là lúc Nguyễn Trãi có thể đem hết sức mình ra xây dựng đất nước như ông hằng mong ước, thì lại là lúc ông bị đặt ra ngoài hàng ngũ những người lãnh đạo Nhà nước. Suốt thời Lê Lợi làm vua và cả sau khi Lê Lợi đã mất, Nguyễn Trãi phải sống trọn đời trong một hoàn cảnh bất công, không thích ứng với sự phát huy và tận dụng tài đức của ông để làm lợi cho dân, cho nước.

Đằng đẵng mười mấy năm trời, từ khi đánh thắng quân xâm lược tới ngày ông chết, Nguyễn Trãi đã phải sống cảnh:
”Quan Thanh bằng nước*, nhà bằng khánh
Cảnh ở tựa chiền, lòng tựa vang…

(Tự thuật – bài 6)


Sống giữa triều đình mà như người đi ở ẩn:
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải

(Vô đề)


Một người có tài “kinh bang tế thế” như sử cũ khen ngợi mà phải sống như vậy. Cương vị của ông và thái độ của Lê Lợi đã không cho phép ông làm được những gì mà ông hằng mong muốn. Hoàn cảnh đó đã chôn vùi tài năng của ông.

Mấy tháng đầu sau ngày đất nước giải phóng có lẽ Nguyễn Trãi chưa cảm thấy một hoàn cảnh khắc nghiệt mới sẽ tới với ông, ông đương rất phấn khởi trước cái vui chung của cả nước được độc lập, và đem hết sức mình làm việc nước. Nhưng tình hình bất lợi đương dần dần tới với ông, ngay sau khi ông đã hoàn thành sự nghiệp đánh giặc cứu nước rất vẻ vang của mình.

Tháng 1 năm 1428, quân Minh rời khỏi đất nước thì tháng 3 năm 1428, Lê Lợi bắt đầu định công khen thưởng các tướng lĩnh và những người có công đánh giặc cứu nước. Đợt thưởng công phong chức đầu tiên dành cho những người tham gia phong trào từ ngày ở Lũng Nhai, bao gồm hầu hết là những thân thích, họ hàng, gia thuộc và người đồng hương của Lê Lợi. Trong số 221 người được khen thưởng đầu tiên không có tên những người có công lớn như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo.

Một tháng sau, tiến hành đợt khen thưởng thứ hai, gia phong cho 3 người, đều là người Kinh lộ, từ Bắc vào tham gia phong trào và đều là người có công to, tức Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Sách ”Đại Việt sử ký” ghi: “Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu, Tư đồ Trần Nguyên Hãn là Tả tướng quốc, Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái bảo, đều cho quốc tính”.

Lê Lợi đặt ra tước hầu, chia làm 9 bậc, để gia phong cho các công thần, tuỳ theo công lao nhiều ít mà định thứ bậc cao thấp. Quan phục hầu là bậc thứ 8 trong 9 bậc tước hầu. Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu tức là Nguyễn Trãi được đánh giá công lao và xếp hạng gần chót cùng trong hàng ngũ các công thần, đứng dưới ít nhất là 70 – 80 người khác ở 7 bậc trên.

Đối với Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, công lao đánh giặc cũng rất lớn, nhưng lần này chỉ được phong chức mà chưa phong tước. Những chức “Tả tướng quốc”, “Thái bảo” hay “Thái uý” phong cho Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, đúng là những chức quan nhất phẩm triều đình. Nhưng về cương vị và đãi ngộ, thì những chức quan nhất phẩm có khi còn kém tước công, tước hầu của các công thần. Các xét công định thưởng cho ba công thần Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo là một điều khó hiểu. Và điều khó hiểu đó, có lẽ ba người đã nhanh chóng thấy rõ. Người thấy trước tiên là Trần Nguyên Hãn. Trong thời kỳ đánh giặc Minh, Trần Nguyên Hãn là một tướng thân tín của Lê Lợi, công lao nhiều, uy tín lớn. Trong bài văn hội thề với các tướng lĩnh nhà Minh, tên tuổi ông đứng thứ nhì, sau Lê Lợi và trên tất cả các tướng lĩnh khác. Nhưng chỉ mấy tháng sau khi nước nhà giải phóng, Trần Nguyên Hãn đã thấy muốn rời khỏi triều đình nhà Lê, muốn sống xa cách Lê Lợi, mặc dầu ông được phong quan chức đầu triều. Ông nói riêng với người thân: “Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn**, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được" (Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí). Ông xin về nghi hưu trí, tuy tuổi ông, theo truyền tụng, năm ấy chỉ mới 50, chưa phải là tuổi để nghỉ việc quan về trí sĩ. Lê Lợi không giữ lại, bằng lòng để Trần Nguyên Hãn về hưu. Như vậy là khoảng cuối năm 1428, Trần Nguyên Hãn đã rời khỏi triều đình nhà Lê, về ở ẩn nơi quê nhà tại Sơn Đông (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

Năm 1429, tình hình triều đình nhà Lê không còn yên tĩnh như trước. Nhiều việc nghiêm trọng bắt đầu xảy ra.

Đầu tiên là việc Lê Lợi quyết định những người nối ngôi vua sau này. Theo phép truyền ngôi thông thường của chế độ phong kiến thì cha truyền con nối, cha chết con lên thay, nhưng Lê Lợi làm khác thế. Lê Lợi quyết định cho con lớn là Tư Tề sẽ lên làm vua thay mình, khi Tư Tề chết thì em Tư Tề là Nguyên Long sẽ lên thay, Tư Tề không được truyền ngôi cho con.

Trong triều thần, chắc có nhiều người không tán thành việc này. Có lẽ Lê Lợi thấy tình hình đó, để trấn an dư luận và cảnh cáo những ai dị nghị, chống đối việc này, Lê Lợi viết thẳng vào chiếu thư truyền ngôi cho một đoạn như sau:
”Sau này, có ai không nghe lời ta, còn sinh dị nghị, dẫn lời của Triệu Phổ cho thế là lầm, mà đổi phép nhất định của chiếu ta, thì đó là bọn xiểm nịnh, chực ngày sau làm như Mãng Tháo*** chứ không phải vì nước hết trung, phép nước không khoan dung được. Vậy xuống chiếu để cho văn võ thần liêu rõ cái nghĩa tự vương đã định, mà giải mối ngờ nói kiểu khác nhau. Hết thảy thần dân đều nên biết rõ”

Nguyễn Trãi là người viết chiếu thư, nhưng thái độ của Nguyễn Trãi đối với việc truyền ngôi như thế nào, sử sách không ghi rõ. Chỉ biết rằng liền sau việc này, Nguyễn Trãi vẫn đem hết cố gắng của mình, cùng Lê Lợi và các đại thần, nhanh chóng thực hiện một số chính sách nhằm đáp ứng những yêu cầu cơ bản của quân dân lúc ấy. Về phía Lê Lợi, tuy ông có những hành động theo yêu ghét riêng trong việc dùng người, truyền ngôi, trao chức, nhưng đối với việc dân, việc nước, ông vẫn có những chủ trương tích cực, những hoạt động vì lợi ích của nhân dân cả nước.

Nửa tháng sau khi ban bố chiếu thư truyền ngôi, Lê Lợi ra chiếu cho đại thần văn võ cùng bàn một việc lớn của Nhà nước là việc chia ruộng đất cho toàn dân.

Một tháng sau việc này, Lê Lợi và triều đình lại thực hiện một việc mà Nguyễn Trãi đã làm dụ hứa với tướng sĩ từ khi còn chiến tranh. Trong thời kỳ chuẩn bị đại phá quân Minh kết thúc chiến tranh, Nguyễn Trãi có làm dụ nói với tướng sĩ rằng: “Số quân hiện tại của ta nay có 35 vạn, đợi khi nào khôi phục được Đông Đô, bấy giờ sẽ cho 25 vạn về làm ruộng, chỉ để 10 vạn quân ở lại làm việc phòng thủ và bảo vệ đất nước". Tới đây việc này được giải quyết. Nguyễn Trãi làm sắc chỉ cho các vệ quân ở 5 đạo, tức trong toàn quốc, 5 ngày sau khi sắc chỉ ban bố, đều ra sức diễn tập thuỷ chiến và lục chiến. Diễn tập xong thì quân ở các vệ chia làm 5 phiên: một phiên ở lại quân ngũ, còn 4 phiên cho về làm ruộng.

Nhân dịp này, Nguyễn Trãi đã liên tiếp làm mấy chiếu chỉ để nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của các đại thần đối với nhà vua, đồng thời cũng gián tiếp nhắc nhở và động viên ý thức dân chủ của Lê Lợi.

Chiếu chỉ thứ nhất nói với các đại thần và hành khiển rằng:
”Nếu ai thấy điều lệnh của trẫm, hoặc có điều gì không tiện cho việc quân việc nước, hoặc là việc vô cớ, hoặc thuế khoá nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược, thì lập tức tâu xin sửa lại”

Chiếu chỉ thứ hai nhắc nhở các quan giữ việc can gián rằng:
”Ai thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, hại cho lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo phép xưa hoặc các đại thần, quan lại, tướng hiệu, các chức trong ngoài có người nào không giữ phép, hối lộ nhiễu hại lương dân, làm việc thiên tư phi vi, thì hặc tâu lên ngay. Nếu cứ ngồi trông dung túng, chăm việc nhỏ nhặt, cùng là nói hão không đâu, thì chiếu luật trị tội”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Nhưng cũng chính trong dịp này, bọn gian thần thấy ý thức dân chủ của vua quan, triều thần có chiều hướng đi lên, đe doạ nghiêm trọng địa vị, quyền lợi, vận mệnh của chúng. Chúng đã tìm cách hãm hại rất tàn nhẫn những người công thần hết lòng vì nước.

Chỉ mấy ngày sau khi những chiếu chỉ trên được ban hành, Nguyễn Trãi bị bắt bỏ ngục. Cùng lúc đó, Trần Nguyên Hãn đã về trí sĩ cũng bị bắt giết.

Từ giã triều đình trở về quê cũ, Trần Nguyên Hãn muốn tìm nơi yên thân, lánh trước những điều không hay có thể xảy ra. Nhưng một số kẻ xấu trong triều đình không để ông yên. Mấy tên quan lại xiểm nịnh là lũ Lê Quốc Khí (cháu gọi Lê Lợi bằng chú bác), Nguyễn Tông Chí, Trình Hoành Bá, Đinh Bang Bản, Lê Đức Dư đã vu cáo Trần Nguyên Hãn đang chuẩn bị nổi loạn và khuyên Lê Lợi giết đi. Sử cũ ghi rằng: Trần Nguyên Hãn có công giúp nước, được người đương thời nhất là người Kinh lộ (tức người ngoài Bắc) rất trọng vọng, Lê Lợi vẫn lo sau này Trần Nguyên Hãn có chí khác, nên “ngoài mặt tuy lấy lễ ý tôn sùng, nhưng trong lòng vẫn ngờ”. Nay có kẻ vu cáo, tháng 3 năm 1429, Lê Lợi cho lực sĩ xá nhân lên Sơn Đông bắt Trần Nguyên Hãn đem về kinh làm tội. Bị bắt, Trần Nguyên Hãn giận uất người, kêu trời: “Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay nghĩa lớn đã thành, vua lại muốn giết tôi, hoàng thiên có biết xin soi xét cho”. Xuống thuyền xuôi về kinh, nhưng thuyền chưa ra khỏi địa phận xã Sơn Đông, Trần Nguyên Hãn đã làm lật thuyền tự tử. Vợ con, ruộng đất, của cải của Trần Nguyên Hãn đều bị tịch thu. Bọn Lê Quốc Khí còn vu cáo cho những người mà chúng không ưa thích là bẻ đảng của Trần Nguyên Hãn, khiến rất nhiều người bị xử tử hoặc phạt tội đồ (đầy làm khổ dịch).

Cùng lúc này, Nguyễn Trãi bị bắt giam vào ngục.

Tại sao Nguyễn Trãi bị tù, sử sách không ghi chép, bản thân ông cũng không biết rõ, mà ông chỉ nói bị kẻ gièm pha vu cáo. Trong tình hình lúc ấy, bọn gian thần không thiếu gì cách để gièm pha vu cáo ông. Có thể chúng vu cáo ông là đồng đảng với Trần Nguyên Hãn, vì ông với Trần Nguyên Hãn là hai người bạn chí thiết, đã cùng nhau từ Bắc vào Thanh Hoá để tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Hoặc giả khi viết chiếu thư truyền ngôi, ông có để lộ ý không đồng tình nên bị chúng gièm pha vu cáo. Hoặc chúng vu cáo ông sẽ làm như Triệu Phổ đời Tống, viết chiếu thư truyền ngôi nhưng sau này sẽ phản đối việc tuân theo chiếu thư đó. Nhưng dù kẻ gian gièm pha vu cáo như thế nào chăng nữa, với đạo đức cao cả của ông, với tấm lòng vì dân, vì nước sáng ngời của ông, Lê Lợi không thể buộc tội ông.

Lê Lợi là một anh hùng dân tộc, ông đã hy sinh tất cả để cứu nước, ông không thể không nghĩ đến dân, không thể không lo đến nước. Dân đỡ khổ, nhà nước mới vững mạnh. Nhà nước vững mạnh thì cơ nghiệp nhà Lê mới bền lâu. Muốn làm được những điều đó, Lê Lợi cần phải có những người tài cao đức trọng như Nguyễn Trãi giúp việc.

Mặt khác, Lê Lợi còn phải lo đối phó ngoại giao với nhà Minh. Bị thất bại trong chiến tranh xâm lược nước ta, nhà Minh vẫn luôn luôn yêu sách điều này điều khác, đòi người, đòi của, đe doạ sự tồn hại của triều đình Lê Lợi. Mối quan hệ giữa hai nước tuy không căng thẳng lắm, nhưng cuộc đấu tranh ngoại giao vẫn diễn ra liên tiếp trong cả năm 1428 và còn tiếp tục. Lê Lợi phải lo đối phó, làm thế nào giành được thắng lợi và giữ được hoà hảo lâu dài giữa hai nước. Mà đấu tranh ngoại giao như thế, phải có bàn tay, khối óc của Nguyễn Trãi thì mới thắng được địch.

Có lẽ vì những lý do trên, Lê Lợi đã thả Nguyễn Trãi sau một vài tháng giam cầm trong ngục và khôi phục quan chức cũ của ông. Nhưng Nguyễn Trãi chỉ được khôi phục quan chức như: Nhập nội hành khiển, Hàn lâm thừa chỉ… mà bị loại ra ngoài hàng công thần, bị thu mất tước Quan Phục hầu và bị rút quốc tính họ Lê. Chỉ tới năm Nguyễn Trãi khoảng 60 tuổi, vua Lê Thái Tông mới khôi phục tất cả các quan chức cũ của ông, lại xếp ông vào hàng công thần, ban tước công thần và lại bạn quốc tính cho ông.

Tháng 12 năm 1430, Lê Lợi giết Thái bảo huyện thượng hầu Phạm Văn Xảo, cũng lại vì nghe lời gièm pha vu cáo của bọn gian thần Lê Quốc Khí.

Phạm Văn Xảo cũng như Trần Nguyên Hãn, đã bị giết, chỉ vì:
”Thấy Văn Xảo là người Kinh lộ, có danh vọng đối với mọi người, nhà vua sợ rằng, một ngày kia, có lẽ khó kiềm chế được, cho nên đem lòng nghi kỵ. Bọn Trình Hoành Bác và Lê Quốc Khí đón biết ý ấy, muốn tâng công, nên dâng mật sớ cáo tỏ rằng Văn Xảo âm mưu làm việc trái phép. Nhà vua tin lời, bắt Văn Xảo phải chết và tịch thu cả nhà” (Việt sử thông giám cương mục)

Nguyễn Chích, người đã vạch ra kế hoạch tiến quân vào Nam, chiếm giữ Nghệ An làm bàn đạp đánh ra các nơi khác và có nhiều công lao trong cuộc chiến tranh cứu nước, được phong “Đình thượng hầu”, trong dịp khen thưởng cùng với Phạm Văn Xảo, cũng bị Lê Lợi cách chức cho về quê làm dân thường. Năm 1431, Nguyễn Trãi được lệnh nhân danh Lê Lợi viết cuốn Lam Sơn thực lục, để ghi lại sự nghiệp đánh giặc cứu nước của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn.Tháng trọng đông, tức tháng 11 năm Tân Hợi (1431), sách làm xong, Lê Lợi đề tựa cho cuốn sách và ký tên “Lam Sơn động chủ”. Sách mang đến nhà vua, viết theo yêu cầu “kể sự nghiệp gian nan của trẫm để lại cho con cháu đời sau” và làm lời chính nhà vua để lại, cho nên trong sách Lam Sơn thực lục, lời nói, việc làm nào cũng đều là của nhà vua hết. Tuy cuốn sách mang tính chất lịch sử một cá nhân như vậy, nhưng Nguyễn Trãi đã cố gắng tóm tắt đầy đủ toàn bộ quá trình đấu tranh cứu nước của phong trào Lam Sơn, với những giai đoạn chính, những sự kiện chính và tất cả những thành tích vẻ vang, những chiến thắng oanh liệt của phong trào. Cho nên, mặc dầu viết sơ lược, còn thiếu nhiều sự kiện, nhiều chi tiết, sách Lam Sơn thực lục vẫn là một chuyên sử có giá trị về phong trào khởi nghĩa Lam Sơn và cũng là cuốn sách sử xưa nhất còn lại cho tới ngày nay. Ở các đời sau, sách có bị sửa chữa, thêm bớt nhiều lần, nhưng nội dung cơ bản của cuốn sách vẫn còn giữ được. Vì vậy, sách vẫn có giá trị để tham khảo khi muốn tìm hiểu phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Về cuốn sách này có một điểm đáng chú ý là: sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi đã đánh dấu sự bất công của triều chính lúc đó. Trong sách, Nguyễn Trãi đã giới thiệu được hết thảy những tướng lĩnh có công lao đánh giặc cứu nước trong phong trào Lam Sơn. Nhưng Nguyễn Trãi đã không thể nói tới công lao và tên tuổi ba người bạn chiến đấu xuất sắc bậc nhất là Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích vì họ bị coi là những kẻ có tội. Sách Lam Sơn thực lục đã phải lẳng lặng, coi như không có ba người này trong phong trào Lam Sơn khởi nghĩa. Mà chính những đóng góp to lớn của Nguyễn Trãi vào công cuộc đánh giặc cứu nước này, ông cũng không dám đề cập tới, mà chỉ tự ghi một công việc coi như rất tầm thường, không phải là một chiến công ngoài mặt trận, tức là soạn thảo những ”văn thư qua lại trong quân” trong suốt thời kỳ chiến tranh, và “làm bài Bình Ngô đại cáo” khi chiến tranh kết thúc.

Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi không những đánh dấu những bất công đó mà còn phản ánh thái độ của Nguyễn Trãi trước những bất công đó. Để kết luận cho cuốn sách, Nguyễn Trãi đã làm lời tổng kết của Lê Lợi, trong đó có những đoạn, ông gián tiếp phê phán và nhắc nhở Lê Lợi nên tránh những sai lầm đã mắc phải. Trong phần kết luận Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi nói thẳng:

”Thà người phụ ta chứ ta không phụ người… Không lấy việc nhỏ mà hại việc lớn, không lấy nhìn gần mà lãng nhìn xa. Trong khoảng vua tôi, lấy nghĩa lớn mà xử với nhau, thân nhau như ruột thịt, không hiềm gì, không ngờ gì…
Phải coi chừng mối hoạ loạn, có khi do yên ổn mà nên. Phải đón ngăn ý kiêu sa, có khi do sung sướng mà đến. Tất phải như thế thì sau này ngõ hầu mới khá”

Nguyễn Trãi đã nói những lời rất hay và rất đúng, Lê Lợi không thể bác bỏ những lời nói đó. Muốn là vua hiền, muốn thu phục nhân tâm, thì phải làm như thế, phải nói những lời như thế, phải khuyên nhủ thần dân những điều như thế.

Có thể Nguyễn Trãi còn nhiều lần gián tiếp phê phán, nhắc nhở Lê Lợi như thế mà sử sách không ghi lại được. Và có thể những lời phê phán nhắc nhở đó của Nguyễn Trãi cùng dư luận của nhân dân trong nước về việc giết hai công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, đã có một tác động nhất định tới tư tưởng và thái độ của Lê Lợi, làm cho Lê Lợi dần dần thấy được sai lầm của mình. Ít lâu sau khi giết Phạm Văn Xảo, Lê Lợi đã cách chức bọn Lê Quốc Chí, đuổi về không cho làm quan. Và Lê Lợi còn cho làm chiếu chỉ căn dặn triều thần:

”… Bọn Lê Quốc Chí, Trình Hoành Bá, Lê Đức Dư tuy có tài, nhưng không nên dùng lại. Thần hạ có kẻ mưu phản nghịch cần phải tố cáo thì cũng không cho bọn này được tố cáo” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Những điều căn dặn trong chiếu chỉ đó cho thấy Lê Lợi đã thật sự hối hận về việc quá nghe lời gièm pha vu cáo của bọn gian thần để giết chết hai công thần Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Như thế, sự kiên trì đấu tranh của Nguyễn Trãi để bảo vệ công lý xã hội, chống những thói hư tật xấu, những hành động bỉ ổi của bọn triều thần quan lại, không phải là hoàn toàn phí công vô ích.

Tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Lợi bị ốm nặng, ông có ý chuẩn bị trước người nối ngôi vua. Ông quyết định truất quyền làm vua của con cả là Tư Tề và trao quyền làm vua cho con thứ Nguyên Long khi ấy mới lên 10 tuổi. Lê Lợi gia phong tướng Lê Sát làm Đại Tư đồ, cầm quyền phụ chính, giúp vua nhỏ điều khiển việc nước.

Trước việc phế truất này, Nguyễn Trãi không làm sao khác ý được. Vì đó là ý chỉ của nhà vua, chống lại ý vua là mang tội. Tuy nhiên, trong bài chiếu truyền ngôi cho Nguyên Long, Nguyễn Trãi đã mượn lời nhà vua để giáo dục Thái tử.

Sau khi hai chiếu truyền ngôi cho Nguyên Long được chừng một tháng thì Lê Lợi mất. Nguyễn Trãi được triều thần uỷ nhiệm làm bài văn bia đặt tại Vĩnh Lăng, nơi an táng Lê Lợi.

Nguyễn Trãi và Lê Lợi là hai người bạn chiến đấu tương đắc nhất và là hai lãnh tụ quan trọng nhất của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nguyễn Trãi trước sau vẫn một niềm tôn quý tấm lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm hy sinh của Lê Lợi, đã đấu tranh quên mình vì nền độc lập của Tổ quốc. Cho tới khi Lê Lợi mất, Nguyễn Trãi vẫn đánh giá rất cao sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang của Lê Lợi. Ông đã dành gần hết cả bài văn bia để kể lại và ca ngợi công lao mười năm đánh thắng quân Minh của Lê Lợi. Nguyễn Trãi đã ghi công muôn đời sau, sự nghiệp cứu nước vĩ đại của người anh hùng dân tộc vùng Lam Sơn. Sự nghiệp đó, như Nguyễn Trãi đã nói:
Cắng thiên cổ dữ vạn cổ hề, đồng thiên địa nhi trường cửu (Chí linh sơn phủ)
(Ngàn đời sau, vẫn cùng trời đất dài lâu)


Nguyễn Trãi ca ngợi rất nhiều về 10 năm đánh giặc cứu nước của Lê Lợi, nhưng nói rất ít về 6 năm làm vua trị nước của Lê Lợi. Ông đã đánh giá đúng đắn sự nghiệp của Lê Lợi và ghi công lao của Lê Lợi một cách nghiêm túc, không quá mức và cũng không quá khắt khe.

Lê Lợi mất, Lê Thái Tông, tức Nguyên Long lên làm vua, mới 10 tuổi. Lê Sát làm phụ chính, nhân danh nhà vua cầm quyền trị nước. Nguyễn Trãi tuy không ở chức vụ cao, nhưng có đức vọng lớn, được Lê Sát và các bạn chiến hữu cũ nể vì, nên ông vẫn giúp ích được cho triều đình mới trong một chừng mực nhất định.

Lê Sát là một tướng lĩnh giỏi, một người yêu nước, lại được sự giúp đỡ của Nguyễn Trãi và nhiều tướng lĩnh cũ của phong trào Lam Sơn, nên trong hơn 3 năm làm phụ chính, Lê Sát đã cùng triều thần làm được một số việc tốt. Miền biên cương càng được củng cố. Các thủ lĩnh địa phương đều hướng về triều đình Trung ương.

Về đối ngoại, giữ vững quan hệ giao hảo với nhà Minh. Quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng như Ai Lao, Lão Qua… được tăng cường. Có những dân tộc, những nước trước kia ít quan hệ với Việt Nam đều cho người tới triều cống, như Lalatư (tức Lô Lô) ở tây nam nước Minh, Trảo Oa (Java) và Xiêm La (Thái Lan).

Về nội trị, đẩy mạnh sự phát triển giáo dục trong nhân dân, tổ chức thi kiểm tra học sinh ở các lộ, tuyển học sinh vào trường Quốc Tử Giám ở kinh đô, đặt chế độ thi tiến sĩ, định thể lệ thi hương, thi hội đều đặn, thường kỳ, tổ chức thi giáo chức, thi thuộc lại, thi võ nghệ. Đời sống nhân dân cũng được chú ý: Nhiều lần giảm thuế và miễn thuế cho nhân dân; cho quân vét sông Đông Ngàn (tức sông Đuống) để việc vận chuyển, thông thương được thuận tiện.

Nhưng về nội trị, quan xấu, quan tốt vẫn là vấn đề mà những người cầm quyền trị nước của nhà Lê phải quan tâm. Ngay từ khi Lê Thái Tông lên ngôi vua, Lê Sát đã cho làm chiếu cầu hiền. Tháng 2 năm 1434, Lê sát lạ icho làm sắc dụ nhắc nhở việc đó trong có câu:

”Mới rồi, cầu người hiền để giúp việc trị nước, có lệnh cho mọi người tiến cử người mình biết, nay đã lâu rồi mà chưa có ai ứng mệnh tiến của một người nào để đáp lại lòng trẫm là cớ làm sao” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Vẫn không có sự hưởng ứng thích đáng. Trái lại, thấy vua còn nhỏ tuổi tuy có tể tướng làm phụ chính, nhưng quyền phụ chính không bằng quyền vua, trong hàng ngũ quan liêu lại nảy nở nhiều tên sâu mọt, hại cho dân cho nước. Nguyễn Trãi đã nghiêm khắc phê phán bọn quan lại sâu mọt đó.

Năm 1434, năm đầu đời Thái Tông, đương có đại hạn, nhân dân đói khổ. Tháng 6 năm đó, có việc sứ ta sang giao hảo và cầu phong với nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi làm bài phát biểu tấu gửi cho vua Minh. Hai quan lại tại triều là nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ Lê Cảnh Xước đòi sửa đổi mấy chữ trong bài biểu. Đây là hai tên quan chuyên bóp nặn dân để xu phụ quan trên. Tiện dịp, Nguyễn Trãi mắng chúng: “Bọn các ngươi là hạng bầy tôi chuyên đánh thuế nặng vào đầu dân để làm giàu kẻ trên. Nạn hạn hán ngày nay là do bọn các ngươi gây nên” (Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục). Bọn Nguyễn Thúc Hụê, Lê Cảnh Xước không dám nói gì, ngầm gièm pha, vu cáo với Lê Sát.

Nhưng đạo đức của Nguyễn Trãi trong sáng, lời nói của ông cương nghị, Lê Sát không dám làm khác. Bài biểu tấu vẫn phải để nguyên như Nguyễn Trãi viết, không ai dám sửa một chữ.

Tệ nạn tham nhũng, lười biếng, coi thường phép nước của các quan lại có chiều phát triển, khiến Phụ chính Lê Sát rất lo ngại. Giữa năm 1435, Lê Sát phải cho làm sắc dụ cảnh cáo các quan văn võ trong kinh và ngoài các lộ.

Trong khi Nguyễn Trãi và Lê Sát đang tập trung cố gắng bài trừ nạn tham nhũng thì ông vua nhỏ tuổi Lê Thái Tông lại có chiều hướng trở thành một ông vua xấu. Cả ngày chỉ chơi đùa, nghịch ngợm, bỡn cợt sã suồng với những kẻ hầu cận ở trong cung, Lê Thái Tông không chịu học tập, không chịu nghe lời khuyên bảo của một ai, khinh nhờn quở mắng cả mẫu sư, cự tuyệt sự răn dạy của các thái phi, chỉ nghe theo bọn hoạn quan, hầu cận trong cung xu nịnh, lôi cuốn đi vào những hành động sai trái, tội lỗi.

Để có thể ngăn chặn chiều hướng phát triển xấu đó và giúp đỡ nhà vua học tập, khoảng đầu năm 1435, Lê Sát nhân danh phụ chính của nhà vua, cùng các đại thần làm tờ tâu xin cử hành khiển thừa chỉ Nguyễn Trãi cùng với 6 văn thần và vài ba đại thần, chia phiên nhau vào toà Kính diên giảng sách để vua học tập. Nhưng vua cho hoạn quan đem trả lại tờ tâu, không nhận. Đáp lại thái độ của nhà vua, Lê Sát và các đại thần cáo ốm, không vào chầu.

Lê Thái Tông vẫn nghịch ngợm rông rỡ. Thấy vậy, một số đại thần làm tờ tâu cương quyết vạch rõ những sai lầm của Lê Thái Tông và tha thiết khuyên răn nhà vua. Sử cũ ghi rằng sau những lần khuyên răn như trên ”nhà vua có ý nghe ra”. Nhưng Lê Thái Tông vẫn không nhận để Nguyễn Trãi và các nho thần vào giảng dạy trong toà Kính diên.

Tuy không đưa được người vào trực tiếp dạy Lê Thái Tông học tập, nhưng có thể nhân dịp “nhà vua nghe ra” như thế, triều thần đã đưa được bà Nguyễn Thị Lộ, vợ Hành khiển Nguyễn Trãi, vào làm Lễ nghi học sĩ ở trong cung. Lễ nghi học sĩ là một chức nữ quan vào cung làm nhiệm vụ dạy lễ nghi cho cung nhân, tức là dạy dỗ cho hàng trăm cung nhân trong hậu cung những cách thức, phép tắc phục vụ, hầu hạ, đối xử với nhà vua và các người trong hoàng gia, bắt buộc họ vào những khuôn phép nhất định. Có thể bà Nguyễn Thị Lộ đồng thời làm cả nhiệm vụ thay bà mẫu sư cũ để săn sóc và giúp thêm vào việc dạy dỗ nhà vua. Như thế, tức là bà Nguyễn Thị Lộ có thể thay mặt triều đình trực tiếp giám sát, hạn chế, ngăn chặn bớt những hành động buông tuồng của nhà vua và thái độ suồng sã của bọn cung nhân và hoạn quan ở trong hậu cung. Trong khi ông vua nhỏ tuổi đuơng phát triển theo một chiều hướng rất xấu, không chịu ai, không sợ ai, không nghe ai, từ chối sự dạy dỗ của những bề trên ruột thịt, gạt bỏ mọi lời khuyên răn của các đại thần, mà đưa được bà Nguyễn Thị Lộ và làm Lễ nghi học sĩ ở trong cung, là một thắng lợi đáng kể của triều đình đối với việc giáo dưỡng Lê Thái Tông. Bà Nguyễn Thị Lộ đảm đương được nhiệm vụ khó khăn và tế nhị này là một việc có tầm quan trọng về chính trị trong thời bấy giờ.

Về phía Nguyễn Trãi, tuy ông không được vào toà Kính diên để trực tiếp dạy vua học, nhưng từ đây, ông cũng tranh thủ mọi cơ hội có thể có được để giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức kiến thức cho Lê Thái Tông. Và Lê Thái Tông từ đây cũng chú ý học hỏi ở Nguyễn Trãi điều này điều khác, bớt biếng nhác, ương bướng hơn trước. Trong năm 1435, việc làm đáng chú ý nhất của Nguyễn Trãi đối với việc giáo dục Lê Thái Tông là ông đã viết cuốn Dư địa chí để dạy cho ông vua nhỏ mới 12 tuổi này hiểu biết non sông đất nước giàu đẹp, mà nhà vua được làm chủ trên tất cả mọi người, là như thế nào.

Trong khi bàn việc triều đình, Nguyễn Trãi cũng thường chú ý những dịp thuận tiện để giáo dục tư tưởng cho Lê Thái Tông. Như có lần có 7 tên can tội tái phạm ăn trộm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật xử tử. Lê Sát tháy giết nhiều người quá, lòng do dự, đưa ra bàn tại triều đình. Lê Thái Tông hỏi ý kiến thừa chỉ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi khẳng định:

”Hình phạt không bằng nhân nghĩa, điều đó đã rõ lắm. Nay một lúc giết bảy mạng người, sợ không phải là việc có đức tốt. Kinh thư có câu: “An nhữ chỉ” nghĩa là ở yên đúng chỗ. Sách Truyện có câu “Tri chỉ nhi hậu hữu định” nghĩa là biết chỗ đúng rồi sau mới định. Thí dụ như trong cung là đúng chỗ ở yên của bệ hạ, thỉnh thoảng đi tuần du nơi khác, nhưng không thể ngồi yên mãi tại đó, chỉ khi trở về cung mới lại là đúng chỗ ở yên. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng thế, phải để lòng nhân nghĩa, phải lấy nhân nghĩa làm đúng chỗ ở yên. Tuy có khi ra vào giận dữ, nhưng không thể lâu được…”

Ý kiến của Nguyễn Trãi được chú ý. Sự việc được giải quyết nhân đạo; trong số 7 tên tội phạm, chỉ chém 2 tên cầm đầu, còn thì khép và tội lưu.

Từ năm 1437, tuy mới 14 tuổi, Lê Thái Tông bắt đầu muốn làm ông vua thực sự, muốn thâu tóm mọi quyền hành vào trong tay và bắt đầu sử dụng rộng rãi bọn hoạn quan hầu cận để làm mọi việc theo ý muốn của mình.

Đầu năm 1437, Lê Thái Tông bắt đầu giao cho hoạn quan làm việc triều đình. Ông vua nhỏ ấy giao cho hoạn quan Lương Đăng cùng Hành khiển Nguyễn Trãi trông nom công việc làm xe loan, làm nhạc cụ, dạy tập nhạc và múa. Một người có tài kinh bang tế thế, giỏi chăm dân trị nước như Nguyễn Trãi mà chỉ để làm như vậy, thật uổng tài sức, nhưng Nguyễn Trãi vẫn vui lòng nhận. Ông tranh thủ thời cơ để nói chuyện về nguyên lý của nhạc và khuyên vua phải lo đến đời sống của nhân dân, vì hoà bình hạnh phúc của nhân dân là gốc của nhạc, không có cái gốc ấy, không thể có nhạc hay. Ông nói với Lê Thái Tông:

”Dẹp loạn dùng võ, thái bình dùng văn. Ngày nay chế định lễ nhạc hính là đúng lúc. Nhưng gốc nếu không vững thì lễ nhạc không dựa và đâu để mà đứng được; văn hiến nếu không có thì lễ nhạc không bởi đâu mà thực hành được. Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vân theo chiếu chỉ, thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng; ngặt vì học thức kém cỏi, khó lòng điều hoà được luật lệ âm nhạc là môn thần diệu tinh vi. Xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng nhân dân để nơi làng mạc nông thôn không còn có tiếng sầu than oán giận. Như thế mới không làm mất đi cái gốc của nhạc vậy”

Nhưng trong việc này, Nguyễn Trãi không thể cùng làm với Lương Đăng. Vì Lương Đăng là một tên hoạn quan tuy có biết chữ chút ít, nhưng là kẻ xu phụ, nịnh hót, được vua tin dùng và nghe theo. Cho nên Nguyễn Trãi phải xin thôi, và nói với Lê Thái Tông:

”Mới rồi thần cùng với Lương Đăng sửa định nhã nhạc; nhưng sở kiến của thần không giống sở kiến của Lương Đăng, vậy xin trả lại mệnh”

Lê Thái Tông chấp nhận đề nghị của Nguyễn Trãi mà vẫn tin dùng và trao trách nhiệm cho tên hoạn quan Lương Đăng.

Nhưng việc không dùng Nguyễn Trãi chưa phải là việc quan trọng, đây chỉ là một việc mở màn cho một thời kỳ mà nhiều trọng thần văn võ bị loại bỏ, nhiều công thần khai quốc bị giết chết, bị tù đày, bị cách chức, giáng chức vì những lộng hành, vu hãm của bọn hoạn quan và bọn phi tần trong hậu cung.

Tháng 7 năm 1437, tức một tháng sau khi Nguyễn Trãi phải thôi việc làm nhã nhạc, đến lượt Tể tướng phụ chính Lê Sát bị cách chức và một tháng sau bị giết. Vợ con bị sung công làm nô tì. Ruộng đất bị tịch thu. Của cải, đồ dùng bị đem chia cho các quan lại. Cno gái của Lê Sát là Ngọc Dao, là Nguyên phi, tức vợ cả Lê Thái Tông, bị phế làm dân thường. Con rể Lê Sát bị đày ra châu xa. Nhiều quan lại bị coi là vây cánh của Lê Sát đều phải tội.

Ba tháng sau, tức tháng 12 năm 1437, Đại Đô đốc Lê Ngân, người lên cầm quyền Tể tướng thay Lê Sát cũng bị giết, gia tài bị tịch thu, gia đình bị sung công. Huệ phi Nhật Lệ, con gái của Lê Ngân là vợ Lê Thái Tông bị giáng xuống làm tư dung.

Lê Sát, Lê Ngân, cũng như nhiều công thần khác đã bị giết hại, bị tù đày, đều là những tướng lĩnh tài giỏi, đã đánh hàng trăm trận, đã thắng hàng chục vạn quân giặc trong mười năm chống quân Minh xâm lược, vậy mà nay đành cúi đầu chịu chết trước những hành động ngang ngược tàn bạo của một ông vua nhỏ tuổi. Điều gì đã trói buộc họ, bắt họ phải ngoan ngoãn chịu nhục hình như vậy? Đó là tư tưởng “tôn thờ ngôi chính thống” của chế độ phong kiến. Một đứa trẻ, mới lọt lòng, dù chưa biết đi , biết nói, hay một đứa trẻ ngỗ nghịch như Lê Thái Tông, quan lại, thần dân vẫn phải cung kính phụng thờ, vì đứa trẻ đó được vua trước chính thức truyền ngôi, đứa trẻ đó là ông vua “chính thống” của họ, dù thế nào đi chăng nữa, họ cũng không dám thay thế, không dám làm việc phế lập. Ngay Tư Tề, là con cả của Lê Lợi, anh ruột Lê Thái Tông, ở cương vị “quyền huynh thế phụ”, mà cũng phải cúi đầu tuân theo những hành vi ngang ngc của đứa em ngỗ nghịch, đành chịu phế truất và đuổi ra khỏi kinh thành làm dân thường.

Đứng trước nguy cơ bọn hoạn quan và phi tần trong hậu cung dựa vào thế vua để làm rối loạn triều đình, các triều thần đều bất lực và bản thân Nguyễn Trãi cũng thấy sức mình không chèo chống nổi. Theo gương Trần Nguyên Đán, Chu Văn An khi xưa, Nguyễn Trãi cũng có ý muốn từ quan.

Năm 1439, tức hai năm sau khi Lê Sát, Lê Ngân bị giết, Nguyễn Trãi vừa 60 tuổi (tính tuổi theo âm lịch), ông xin nhà vua cho về trí sĩ. Có lẽ việc còn đương xét thì gặp lúc đứa con đầu lòng của Lê Thái Tông là Nghi Dân ra đời. Lúc ấy Lê Thái Tông 16 tuổi. Vui mừng trước việc sinh hoàng thái tử, Lê Thái Tông ra lệnh đại xá thiên hạ và ban thưởng cho những người già trong nước từ 70 tuổi trở lên và được dự tiệc rượu ăn mừng. Trong dịp này, Lê Thái Tông vốn trọng nể Nguyễn Trãi là người có đức vọng lớn, nên đã khôi phục mọi chức tước cũ của Nguyễn Trãi. Ngoài những chức tước Nguyễn Trãi đương có như “Vinh lộc đại phu, Nhập nội Hành khiển, Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ, Tri tam quán sự”, Lê Thái Tông gia phong thêm chức “Môn hạ sảnh ta ty hữu gián nghị đại phu” là chức Nguyễn Trãi đã có từ năm đầu thời Lê Lợi, lại được ban tước công thần “Á đại trí tự” và ban quốc tính như xưa. Gián nghị đại phu là một trọng chức của đại thần làm nhiệm vụ khuyên can nhà vua. Trong tình hình triều chính là Lê lúc ấy, một người có tài năng, có đạo đức và trung thực như Nguyễn Trãi mà được phong làm Gián nghị đại phu là một điều vui mừng của tất cả những người có lương tri thời đó. Nhưng rất tiếc là những chức tước trọng đại đó có ý nghĩa hư hàm hơn thực chức. Thực chức mà Lê Thái Tông trao cho ông lúc này là làm “Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự”. Lê Thái Tông vốn quý trọng ông, không muốn để ông về hưu, nhưng bọn hoạn quan, gian thần không muốn ông có mặt ở triều đình, không muốn ông can thiệp và công việc triều chính. Cho nên Lê Thái Tông đã trao cho ông làm đề cử chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, nơi quê hương mà ông có ý muốn lui về yên nghỉ, và đôi khi triều đình có việc, sẽ mời ông vào triều. Đề cử là một chức quan, có từ thời Lý, làm nhiệm vụ trông nom một ngôi chùa của Nhà nước. Chức đề cử này đã lâu không dùng đến và trong quan chế thời Lê không có, bây giờ mới thấy trao cho Nguyễn Trãi. Dù gọi là chức quan, đề cử cũng chỉ là người giữ chùa. Một người tài đức như Nguyễn Trãi, được mọi người mong mỏi, trông chờ, vui mừng thấy ông sắp đứng ra sửa sang việc nước, chấn chỉnh triều chính, mà lại hoá thành người đi giữ chùa, thì thật là đáng tiếc vô cùng.

Nhưng, để tạm xa lánh nơi cung đình hỗn độn và nguy hiểm của Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi vui lòng nhận làm đề cử. Do đó, ông có được mấy năm dưỡng nhàn tại Côn Sơn, và ông đã sống rất giản dị, thanh bạch.

Trong khi Nguyễn Trãi về Côn Sơn, thì Nguyễn Thị Lộ vẫn ở lại làm việc tại nội cung. Bà cũng là một quan chức, không thể tự ý về nghỉ được. Và có lẽ bà cũng muốn ở lại để góp phần vào việc giữ vững an ninh trong hậu cung, cố gắng dập tắt những lục đục, sóng gió thường nổi lên trong hậu cung và đương có khả năng ngày càng nhiều hơn nữa.

Tới đây, các phi tần đã 16, 17 tuổi, bắt đầu có con: cuộc tranh chấp ngôi Đông cung thái tử cho con mình và ngôi chính cung cho bản thân mình trở nên quyết liệt. Lúc này, trong hàng phi tần, có ba người được Thái Tông yêu dấu hơn cả, là Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao. Dương Thị Bí vừa sinh được hoàng nam Nghi Dân, đứa con trai đầu lòng của Lê Thái Tông. Ba tháng sau, khi sinh ra, tức tháng giêng năm Canh Thân (1440), Nghi Dân được phong Thái tử. Dương Thị Bí được phong Thần phi. Cuối năm 1440, Nguyễn Thị Anh có mang. Cuộc tranh chấp càng trở nên quyết liệt. Các phi tần tranh chấp nhau thì các cung nữ hầu hạ các phi tần cũng chia thành phe cánh xung đột lẫn nhau. Trật tự trong hậu cung không được đảm bảo. Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Lộ phải vận động Lê Thái Tông hạ lệnh tuyển cung nữ mới, để thay thế những cung nữ mà sử cũ gọi là “ngỗ nghịch”. Tháng 6 năm 1441, Lê Thái Tông hạ lệnh tuyển tú nữ ở các huyện vào làm cung nữ. Tháng 9 năm 1441, có được số cung nữ mới tuyển, bà Nguyễn Thị Lộ đề nghị bắt giam những cung nữ ngỗ nghịch. Tuy nhiên, những biện pháp tích cực đó của Nguyễn Thị Lộ không ngăn chặn được cuộc xung đột ngày càng gay gắt. Và trong cuộc tranh chấp xung đột này, cuối cùng Nguyễn Thị Anh đã thắng thế.

Tháng 7 năm 1441, Nguyễn Thị Anh sinh hoàng từ Bang Cơ. Tháng 12 năm đó, Bang Cơ được phong làm Thái tử, Nguyễn Thị Anh được phong làm Thần phi, Nghi Dân bị giáng xuống làm Lạng Sơn Vương, Khắc Xương – em Nghi Dân, chỉ được phong làm Tân Bình Vương, Dương Thị Bí bị giáng xuống làm “thứ phụ” (một phụ nữ thường, không có chức tước gì).

Khi Dương Thị Bí và Nghi Dân bị đánh đổ, Bang Cơ được lập làm Thái tử thì cũng là lúc Ngô Thị Ngọc Dao bắt đầu có mang và có tin đồn đại Ngọc Dao nằm mộng thấy “Kim tiên đồng tử” giáng sinh, tất sinh quý tử. Nguyễn Thị Anh tìm cách trừ Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh gièm pha, Lê Thái Tông nghe lời, quyết định cho đem đày Ngô Thị Ngọc Dao ra châu xa.

Lúc này chính là lúc Nguyễn Trãi có mặt tại triều đình. Ông được vời từ Côn Sơn ra kinh đô để làm giám khảo khoa thi tiến sĩ tổ chức vào tháng 3 năm 1442. Có mặt tại triều đình và trước việc xử lý bất công đối với tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, ông không thể làm ngơ. Để bảo vệ đứa con còn nằm trong bụng mẹ và cứu sống một người đàn bà vô tội, ông cùng bà Nguyễn Thị Lộ đề nghị nhà vua xét lại việc này vì không có lý do chính đáng. Lê Thái Tông nghe theo, không bắt Ngô Thị Ngọc Dao đi đày, nhưng trục xuất khỏi hoàng cung và đưa ra an trí ở ngoài thành. Bà Nguyễn Thị Lộ xin cho Ngọc Dao được an trí tại chùa Huy Văn, phía nam kinh thành Thăng Long (gần Văn Miếu, thuộc phố Tôn Đức Thắng ngày nay). Tại đây, Ngô Thị Ngọc Dao được Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trông nom, giúp đỡ. Nhưng Nguyễn Trãi không ở lâu tại kinh thành. Có lẽ trước khi trở về Côn Sơn, ông đã bàn với bà Lộ bí mật đưa Ngọc Dao ra xa kinh thành, về vùng Thái Bình ngày nay, để đảm bảo cho Ngọc Dao sinh nở “mẹ tròn con vuông”.

Mấy tháng sau, ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), Ngô Thị Ngọc Dao sinh được một con trai. Lúc này, Lê Thái Tông đang sửa soạn lên đường đi tuần miền Đông. Được tin Ngọc Dao sinh con trai, Lê Thái Tông rất vui mừng, đặt tên con mới sinh là Tư Thành (tức Lê Thánh Tông sau này). Tin Ngô Thị Ngọc Dao sinh con trai làm cho Thần phi Nguyễn Thị Anh rất lo sợ và căm hờn Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Thị Anh rắp tâm trả thù và tìm cách trừ hậu hoạ cho con mình, nhưng chưa tiện dịp vì Lê Thái Tông đi vắng.

Ngày 27 tháng 7 âm lịch, Lê Thái Tông bắt đầu xa giá rời khỏi kinh thành, đi lên miền Đông để duyệt binh tại Chí Linh. Thời phong kiến, nhà vua rời khỏi kinh thành, đi tuần hành trong nước là một việc làm rất long trọng, tổ chức quy mô, náo nhiệt: ngựa xe, kiệu võng, cờ quạt, chiêng trống nhộn nhịp, có đông đảo quân sĩ đi hộ tống, đông quan cung nữ đi chầu hầu bên cạnh. Lê Thái Tông đi tuần cũng như thế. Vì có cung nữ đi theo nhà vua, nên bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cũng có mặt trong cuộc tuần hành này. Nhà vua xa giá tới đâu thì quan lại ở địa phương, đương tại chức hay đã về chí sĩ, đều phải tới nghênh giá. Chí Linh gần Côn Sơn, Nguyễn Trãi ở Côn Sơn cũng phải tới Chí Linh nghênh giá. Côn Sơn là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước, vua chúa và danh thần các triều trước thường tới Côn Sơn: người thì tới tu hành, người thì tới ẩn dật, người thì tới du ngoạn. Cho nên sau khi duyệt binh ở Chí Linh, Lê Thái Tông cũng muốn vãn cảnh Côn Sơn. Nguyễn Trãi đã đưa vua về thăm Côn Sơn. Sau khi ở thăm Côn Sơn, Lê Thái Tông cùng đoàn hộ giá đi theo đường sông trở về kinh thành. Bà Nguyễn Thị Lộ vẫn cùng đi với đoàn hộ giá. Ngày 4 tháng 8 âm lịch, vua về tới Trại Vải trên bờ sông Thiên Đức (tức sông Đuống) thì nghỉ lại.

Trại Vải (tức Lệ Chi Viên) ở thôn Đại Lại (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh) là nơi các vua chúa thường dừng chân nghỉ lại trên con đường đi tuần du miền Đông. Tại đây có xây dựng ly cung làm nơi nghỉ của nhà vua. Lê Thái Tông nghỉ tại Trải Vải, tới đêm thì lên cơn sốt rét nặng. Nhà vua đi tuần du, bị ốm ở dọc đường, sự chăm sóc thuốc thang cũng rất mực chu đáo như khi đau tại hoàng cung, vì có đông đảo quan lại, thầy thuốc ngự y, hoạn quan và cung nữ theo hầu. Trong việc chăm sóc Lê Thái Tông ốm đêm ấy có cả bà Nguyễn Thị Lộ. Nhưng có lẽ Lê Thái Tông bị cơn sốt rét ác tính, nên chết ngay đêm ấy, không cứu chữa được. Trước cái chết đột ngột của nhà vua, các quan hộ giá phải giữ kín không dám tiết lộ ra ngoài, và cho người về ngay hoàng cung báo tin và chờ lệnh. Vua chết, thái tử còn nhỏ tuổi, thì lâm thời mọi việc đều do người vợ vua cao chức nhất là mẹ thái tử quyết định. Người đó là Thần phi Nguyễn Thị Anh. Lê Thái Tông chết từ đêm mồng 4 nhưng tới đêm mồng 6 mới đưa thi hài về cung và khi ấy mới phát tang.

Đây là một trường hợp rất bất ngờ nhưng lại là thời cơ tốt nhất để Nguyễn Thị Anh trả thù Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là hai người đã bảo vệ Ngô Thị Ngọc Dao, lam fcho Nguyễn Thị Anh phải ngày đêm nơm nớp lo sợ cho ngôi thái tử của con mình. Nếu Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ còn sống, thì tiếng nói của Nguyễn Trãi và những hành động trực tiếp của Nguyễn Thị Lộ trong hậu cung vẫn có thể là mối đe doạ cho ngai vàng của con mình. Nguyễn Thị Anh cùng bọn hoạn quan thân cận mưu giết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong dịp này và chắc chắn giết được. Lê Thái Tông cùng đi với Nguyễn Trãi tới Côn Sơn, khi trở về, đi khỏi Côn Sơn thì chết và Nguyễn Thị Lộ đã có mặt trong khi Lê Thái Tông chết. Đó là cái cớ để Nguyễn Thị Anh khép tính mệnh của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vào với cái chết của Lê Thái Tông.

Nguyễn Thị Anh cho tên hoạn quan thân cận là Tạ Thanh, một mặt lo liệu việc tổ chức lễ đăng quang để đưa Bang Cơ lên ngôi vua, một mặt đứng ra vu cáo và buộc tội Nguyễn Trãi đã đầu mưu cho Nguyễn Thị Lộ giết vua. Nguyễn Thị Anh nhân danh nhà vua chấp nhận lời buộc tội. Giết vua là một tội lớn nhất, phải “tru di tam tộc” tức phải giết cả ba họ.

Những người có lương tri và những người đi hộ giá, theo hầu Lê Thái Tông trong cuộc tuần du, biết rõ cái chết của Lê Thái Tông trong cũng không dám nói ra sự thật để bào chữa cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Nói rõ sự thật hoặc bào chữa đều chắc chắn phải chết, vì không tránh khỏi bị buộc là đồng loã trong tội giết vua.

Bị vu cáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và gia đình thân thuộc đều bị bắt đưa về giam ở kinh thành.

Ngày 16 tháng 8 Nhâm Tuất, tức 19 tháng 9 năm 1442, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và tất cả gia đình thân thuộc đã bị bắt, đều bị giết.

Trong thời đại phong kiến ở Việt Nam, chưa ái phải giết tới ba họ. Đây là một cái án dã man trong lịch sử.

Sau này, khi nói về cái chết của Nguyễn Trãi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định:
“Đối với triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, sau khi “bốn biển đã yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá! Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị “tru di” ba họ là ở đó” (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân dân số 3099, ngày 19 tháng 9 năm 1962)

Cái chết của Nguyễn Trãi là một bản ánh đanh thép kết tội chế độ phong kiến. Nhưng điểm rất đặc biệt ở con người Nguyễn Trãi là ông đã trọn đời vì dân, vì nước cho đến khi ông chết ông vẫn đem lại được một cái gì đó có ích cho dân, cho nước, cho người khác. Ông chết vì bọn phi tần, bọn hoạn quan hãm hại, nhưng ông đã cứu sống mẹ con Ngọc Dao và nhiều người khác khỏi liên lụy. Cho nên cái chết của công tuy đau thương nhưng vẫn đượm màu nhân nghĩa. Cái chết của Nguyễn Trãi đã nói lên cái tình nhân đạo cao cả của Nguyễn Trãi, nhân đạo của một người sẵn sàng hy sinh để người khác sống. Ông chết đi, nhưng khí phách của ông, công lao, sự nghiệp và những tư tuởng vĩ đại, những di văn bất hủ của ông vẫn sống mãi tới muôn đời sau.


Một số chú giải:
1. Quan thanh bằng nước có nghĩa là chức quan không quan trọng, rất nhàn rỗi, thanh đạm như nước lã; nhà bằng khách tức nhà trống trải như gian nhà để chuông khánh ở các đền chùa; cảnh ở tựa chiền là nơi ở vắng vẻ tịch mịch như nhà chùa; lòng tự vang lòng vẫn tỏ như nước gỗ vang

2. Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, nước Việt bị nước Ngô thôn tính. Vua nước Việt là Câu Tiễn được hai người có tài là Văn Chủng, Phạm Lãi giúp sức, đánh thắng nước Ngô, khôi phục được giang sơn nước Việt. Khi sự nghiệp đã thành, Văn Chủng và Phạm Lãi là hai người công lao bậc nhất, nhưng Văn Chủng bảo Phạm Lãi: “Vua ta có tướng cổ dài, mép quạ, có thể cùng ở với nhau trong lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng ở với nhau trong lúc yên vui”.

3. Câu nói của Trần Nguyên Hãn nói với người thân: “Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, không thể thể cùng hưởng yên vui sung sướng được" trích trong Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí

4. Mãng Tháo: Mãng là Vương Mãng, Tháo là Tào Tháo. Hai người đều cướp ngôi vua lập nên triều đại khác.

5. “Tru di tam tộc”, đúng nghĩa là giết chết cả ba họ. Nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau. Người thì hiểu ba họ là họ cha, họ mẹ, họ vợ. Người thì hiểu là ba đời: cha mẹ, anh em và vợ con. Người lại hiểu là ba đời là cha mẹ, các con và các cháu. Gần như tất cả gia đình thân thuộc của Nguyễn Trãi đều bị giết chết, duy chỉ có một người vợ thứ của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn được có mang đã trốn được thoát trong khi cả gia đình bị bắt. Bà Phạm Thị Mẫn chạy trốn đi một nơi xa và sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Anh Vũ, người con duy nhất của Nguyễn Trãi còn sống sót. Do đó, dòng họ Nguyễn Trãi vẫn được tiếp tục, con cháu ngày một đông lên, cho tới ngày nay có tới trên dưới 10 chi họ, sống lâu đời trên nhiều tỉnh Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên vào tới Thanh Hoá, Nghệ An.

Tham gia event - Xứng đáng học trò ngoan
chetdi kute
Về Đầu Trang Go down
k4p0h4nk
Sinh viên đại học
k4p0h4nk


Tổng số bài gửi : 571
Reps : 170
Join date : 16/09/2009
Age : 27
Đến từ : Descend form the sky ^-^

Vụ án Lệ Chi Viên Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vụ án Lệ Chi Viên   Vụ án Lệ Chi Viên Empty27/10/2009, 1:09 pm

Thanks Nhun nhìu nha!!! Các ứng cử viên khác cẩn thận nhé!!! Nhun là một đối thủ đáng gờm đấy yay
Về Đầu Trang Go down
https://alnh.forumvi.com
Katori Hinazuki
Tốt nghiệp cấp 2
Katori Hinazuki


Tổng số bài gửi : 208
Reps : 121
Join date : 12/10/2009
Age : 27
Đến từ : Ha Noi

Vụ án Lệ Chi Viên Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vụ án Lệ Chi Viên   Vụ án Lệ Chi Viên Empty27/10/2009, 1:11 pm

Dài dài dài oitroi Nhưng mà rất có ích unghong Tặng Nhun đôi dép
Về Đầu Trang Go down
http://vnsharing.net/forum/member.php?u=292448
littlerose_3297
HS cấp 2
littlerose_3297


Tổng số bài gửi : 177
Reps : 194
Join date : 26/09/2009
Age : 27
Đến từ : E.L.F and Wonderful *^_^*

Vụ án Lệ Chi Viên Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vụ án Lệ Chi Viên   Vụ án Lệ Chi Viên Empty28/10/2009, 5:27 am

Min Hạnh dạo này ngây thơ quá đỗi hehe
hello hoho
Về Đầu Trang Go down
littlerose_3297
HS cấp 2
littlerose_3297


Tổng số bài gửi : 177
Reps : 194
Join date : 26/09/2009
Age : 27
Đến từ : E.L.F and Wonderful *^_^*

Vụ án Lệ Chi Viên Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vụ án Lệ Chi Viên   Vụ án Lệ Chi Viên Empty3/11/2009, 8:06 pm

Nói thật náh tớ chưa đọc hết đau hoho
Về Đầu Trang Go down
k4p0h4nk
Sinh viên đại học
k4p0h4nk


Tổng số bài gửi : 571
Reps : 170
Join date : 16/09/2009
Age : 27
Đến từ : Descend form the sky ^-^

Vụ án Lệ Chi Viên Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vụ án Lệ Chi Viên   Vụ án Lệ Chi Viên Empty3/11/2009, 8:57 pm

Nhung ơi, nhắc nhở 1 lần 1 vì post 2 bài liên tiếp
Về Đầu Trang Go down
https://alnh.forumvi.com
Sponsored content





Vụ án Lệ Chi Viên Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vụ án Lệ Chi Viên   Vụ án Lệ Chi Viên Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Vụ án Lệ Chi Viên
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Tập thể lớp 8A THCS Lê Ngọc Hân :: Học tập :: Khoa học xã hội :: Lịch Sử :: Lịch sử Việt Nam-
Chuyển đến